HỌC VIỆN CHÍNH TRỊ KHU VỰC I  - 70 NĂM XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN (1953 - 2023)

 

Học viện Chính trị Khu vực I được thành lập năm 1953 từ quá trình hình thành các trường đảng của khu và liên khu phía Bắc. Qua 70 năm (1953-2023) xây dựng và phát triển, Học viện Chính trị Khu vực I đã trải qua nhiều lần hợp nhất, sáp nhập, đổi tên. Khái quát lịch sử của Học viện qua các giai đoạn như sau:

 

 

Giai đoạn 1953-1958: Để đáp ứng yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho Đảng phục vụ nhiệm vụ “kháng chiến, kiến quốc” trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945-1954), các Trường chính trị của các khu và liên khu phía Bắc ra đời như: Trường Đảng Liên khu III đặt tại Phủ Lý (Hà Nam); Trường Đảng Liên khu IV đặt tại vùng Chợ Cồn (Thanh Chương, Nghệ An); Trường Đảng khu Tả Ngạn đặt tại thị xã Hải Dương; Trường Đảng khu Tây Bắc đặt tại xã Hưng Khánh, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái; Trường Đảng khu Việt Bắc đặt tại Thái Nguyên. Sau năm 1954, các trường tiếp tục huấn luyện cán bộ đáp ứng yêu cầu khôi phục và phát triển kinh tế miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

 

Giai đoạn 1959-1983: các Trường Nguyễn Ái Quốc

Các trường Nguyễn Ái Quốc đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Ban Bí thư Trung ương Đảng bao gồm: Trường Nguyễn Ái Quốc I đặt tại Hải Dương, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ thuộc ngành Nông nghiệp; Trường Nguyễn Ái Quốc II đặt tại quận Đống Đa - Hà Nội, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ thuộc ngành Công nghiệp; Trường Nguyễn Ái Quốc III đặt tại Thanh Hóa, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ thuộc ngành Thương nghiệp; Trường Nguyễn Ái Quốc VI (hợp nhất với hai Trường Đảng Tây Bắc và Việt Bắc, đặt tại Thanh Xuân - Từ Liêm - Hà Nội, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ dân tộc thiểu số các tỉnh miền núi phía Bắc.

Đây là giai đoạn các trường Nguyễn Ái Quốc hình thành 03 khoa ghép đầu tiên: Khoa Triết học - Chủ nghĩa Cộng sản khoa học; Khoa Kinh tế chính trị - Quản lý kinh tế; Khoa Lịch sử Đảng - Xây dựng Đảng; hình thành khung chương trình lý luận chính trị cho cán bộ dân tộc thiểu số, hệ trung cấp lý luận chính trị tập trung 2 năm; lớp trung cấp lý luận chính trị không tập trung đầu tiên tổ chức tại địa phương (tại các huyện của tỉnh Lai Châu và Nghĩa Lộ); mở các lớp bồi dưỡng lý luận chính trị kết hợp bổ túc văn hóa cho cho cán bộ vùng Tây Nguyên, cán bộ phụ nữ miền Nam; biên soạn thành công 02 tập giáo trình đầu tiên: “Quản lý công nghiệp” và môn “Quản lý xí nghiệp công nghiệp”; tham gia thực hiện nhiệm vụ quốc tế (đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho Đảng Nhân dân Cách mạng Campuchia; trường Nguyễn Ái Quốc II và trường Nguyễn Ái Quốc VI cử cán bộ chủ chốt đi hỗ trợ xây dựng hệ thống trường Đảng của Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào và Vương quốc Campuchia).

 

Giai đoạn 1983-1993: Trường Nguyễn Ái Quốc khu vực I.

Năm 1983, theo quyết định của Ban Bí thư, các Trường Nguyễn Ái Quốc I, II, III và VI hợp nhất thành trường Nguyễn Ái Quốc Khu vực I, trụ sở đặt tại Thanh Xuân - Từ Liêm - Hà Nội (là trụ sở của Học viện hiện nay tại 15 Khuất Duy Tiến - Thanh Xuân - Hà Nội). Năm 1990, Trường Tổ chức - Kiểm tra Trung ương I sáp nhập vào trường Nguyễn Ái Quốc Khu vực I. Đây là giai đoạn nhà trường định hình khung chương trình đào tạo cao cấp lý luận chính trị và phân chia loại hình lớp học theo đối tượng đào tạo: Lớp A: đào tạo cán bộ quản lý nông nghiệp, nông thôn; lớp B: đào tạo cán bộ lãnh đạo, quản lý; lớp C: đào tạo cán bộ khối công nghiệp; lớp E: đào tạo cán bộ dân tộc thiểu số. Lớp cao cấp lý luận chính trị hệ tại chức đầu tiên được mở tại thành phố Hải Phòng. Nhà trường tổ chức các chương trình bồi dưỡng cán bộ lãnh đao, quản lý cho các bộ, ban, ngành Trung ương; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác xây dựng Đảng thuộc công tác tổ chức, kiểm tra, tuyên giáo, dân vận… Nội san Giáo dục Lý luận ra đời - tiền thân của Tạp chí Giáo dục Lý luận hiện nay.

 

Giai đoạn 1993-2005: Phân viện Hà Nội.

Theo Quyết định số 61/QĐ-TW ngày 10/3/1993 của Bộ Chính trị về việc sắp xếp lại các Trường đảng Trung ương, Trường Nguyễn Ái Quốc khu vực I đổi tên gọi thành Phân viện Hà Nội thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Phân viện Hà Nội có nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trung, cao cấp của Đảng, Nhà nước và các đoàn thể nhân dân về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối của Đảng và chính sách của Nhà nước; về các khoa học chính trị, kinh tế, văn hóa, quốc phòng, an ninh và nghiệp vụ xây dựng Đảng. Đây là giai đoạn Phân viện Hà Nội tập trung thực hiện: hiện đại hóa đội ngũ cán bộ, giảng viên; hiện đại hóa nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng; hiện đại hóa trong nghiên cứu khoa học; hiện đại hóa cơ sở vật chất; hình thành hệ cử nhân chính trị 2 năm; biên soạn các tập bài giảng đầu tiên dành cho chương trình cử nhân chính trị: Tư tưởng Hồ Chí Minh, Lịch sử triết học, Quản lý kinh tế, Quan hệ quốc tế và lễ tân ngoại giao… Thúc đẩy nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế. Năm1994, Nội san Giáo dục Lý luận được nâng cấp thành Tạp chí Giáo dục Lý luận.

 

Giai đoạn 2005-2013: Học viện Chính trị khu vực I và Học viện Chính trị - Hành chính khu vực I (2007-2013)

Theo Nghị quyết số 52/NQ-TW ngày 30-7-2005 của Bộ Chính trị khóa IX, Phân viện Hà Nội đổi tên thành Học viện Chính trị Khu vực I trực thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Tiếp đó, theo Quyết định số 60/QĐ-TW ngày 07/5/2007 và Quyết định số 100/QĐ-TW ngày 22/10/2007 của Bộ Chính trị khóa X, Học viện Chính trị khu vực I đổi tên thành Học viện Chính trị - Hành chính khu vực I trực thuộc Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh.

Học viện có nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ khoa học chính trị, hành chính của Đảng, Nhà nước và các đoàn thể quần chúng trên địa bàn các tỉnh/thành phố phía Bắc từ Hà Tĩnh trở ra; là trung tâm nghiên cứu khoa học lý luận Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, nghiên cứu đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, nghiên cứu về khoa học chính trị, hành chính.

Trong giai đoạn này, Học viện chú trọng đổi mới và nâng cao chất lượng chương trình đào tạo cao cấp lý luận chính trị theo hướng đổi mới nội dung và ứng dụng phương pháp giảng dạy tích cực hiện đại; mở chương trình đào tạo cử nhân chính trị cho cán bộ nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào; mở mã ngành và tổ chức đào tạo cao học; đạt nhiều thành tựu nổi bật trong công tác nghiên cứu khoa học và tăng cường hợp tác quốc tế; xây dựng và vận hành trang thông tin điện tử của Học viện.

 

Giai đoạn 2014- nay: Học viện Chính trị khu vực I

Theo Quyết định số 544/QĐ-HVCTQG ngày 18/02/2014 của Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị - Hành chính khu vực I đổi tên thành Học viện Chính trị khu vực I. Học viện chú trọng sắp xếp bộ máy tổ chức, chú trọng đào tạo đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý và đội ngũ giảng viên; tạo ra bước đột phá trong tư duy về đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng; chú trọng xây dựng chuẩn đầu ra môn học; xây dựng đề cương môn học theo hướng cốt lõi, tăng cường vận dụng lý luận vào thực tiễn; tăng cường năng lực và phẩm chất cho người học; đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng tích cực, hiện đại; giữ vững bản chất trường Đảng trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học; tăng cường kỷ cương, kỷ luật học đường; thúc đẩy nghiên cứu khoa học phục vụ trực tiếp công tác đào tạo, bồi dưỡng và bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; mở nhiều lớp bồi dưỡng cán bộ các địa phương đáp ứng yêu cầu của thực tiễn; xây dựng lớp học, thư viện thông minh trên cơ sở tiếp cận và ứng dụng thành tựu của Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư (4.0); sáng tạo trong xây dựng các chương trình, mô hình học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo hướng thực chất, hiệu quả; xây dựng cơ sở vật chất khang trang, hiện đại, xanh, sạch đẹp…

 

 

CÁC PHẦN THƯỞNG CAO QUÝ