NGHIỆM THU CƠ SỞ ĐỀ TÀI KHOA HỌC ĐỘC LẬP CẤP QUỐC GIA NĂM 2019

“NGHIÊN CỨU BIÊN SOẠN LỊCH SỬ HUYỆN TRƯỜNG SA, TỈNH KHÁNH HÒA”

 

Chiều 10/8/2019, tại Học viện Chính trị khu vực I, Hội đồng nghiệm thu cơ sở đã tổ chức Hội nghị đánh giá, nghiệm thu đề tài khoa học độc lập cấp Quốc gia: “Nghiên cứu biên soạn lịch sử huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa”, mã số: ĐTĐL.XH.01/16 do Học viện Chính trị khu vực I là cơ quan chủ trì; TS. Nguyễn Thị Thanh Huyền làm Chủ nhiệm đề tài.

 

 

Hội đồng nghiệm thu Đề tài

 

Tham dự buổi nghiệm thu có 7 thành viên Hội đồng do GS.TS.NGND. Nguyễn Quang Ngọc - Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam làm Chủ tịch, cùng các ủy viên là các chuyên gia, nhà khoa học có trình độ chuyên môn sâu liên quan đến lĩnh vực nghiên cứu của Đề tài; Đại diện Vụ Khoa học xã hội & Tự nhiên, Bộ Khoa học và Công nghệ; Đại diện lãnh đạo, chuyên viên Ban Quản lý khoa học và Hợp tác quốc tế, Học viện Chính trị khu vực I cùng các thành viên tham gia đề tài.

 

 

TS. Nguyễn Thị Thanh Huyền, Chủ nhiệm đề tài trình bày khái quát quá trình triển khai thực hiện đề tài

 

Đề tài nghiên cứu, biên soạn cuốn lịch sử Trường Sa bao gồm huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hoà. Phạm vi thời gian nghiên cứu bao gồm cả quá trình kiến tạo địa lý, hình thành các đảo và quần đảo, quá trình phát hiện, khai thác và xác lập, tuyên bố chủ quyền của Việt Nam với Trường Sa; quá trình củng cố chủ quyền, đấu tranh bảo vệ chủ quyền; quá trình củng cố, xây dựng và phát triển, tiến tới thành lập huyện Trường Sa;  Phân kỳ cuốn lịch sử sẽ đồng bộ với tiến trình lịch sử Việt Nam, qua các thời sơ sử, thời kỳ cổ trung đại, thời kỳ cận đại và hiện đại.

 

Tại buổi đánh giá, nghiệm thu, TS. Nguyễn Thị Thanh Huyền thay mặt nhóm nghiên cứu trình bày khái quát quá trình triển khai thực hiện đề tài, chỉ ra những thuận lợi và một số kết quả bước đầu mà đề tài đã thực hiện được; đồng thời cũng nêu những khó khăn khi triển khai đề tài và đề xuất một số nội dung mong muốn trao đổi để tiếp tục hoàn thiện. Đề tài cũng xây dựng báo cáo kiến nghị về chính sách, giải pháp nhằm khẳng định, bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với Trường Sa nói chung và phát triển huyện đảo Trường Sa vững mạnh. Báo cáo kiến nghị được chia thành 02 nhóm: Kiến nghị về chính sách, giải pháp khẳng định và bảo vệ chủ quyền quốc gia tại huyện đảo Trường Sa; Kiến nghị về chính sách, giải pháp xây dựng huyện đảo Trường Sa vững mạnh.

 

 Sau khi nghe từng thành viên Hội đồng nhận xét, đánh giá, phát biểu kết luận Hội nghị, Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu, PGS.TS. Nguyễn Quang Ngọc nhất trí với các nhận xét, đánh giá, phản biện của các thành viên Hội đồng; đồng thời đánh giá cao kết quả nghiên cứu của đề tài; ghi nhận những nỗ lực, cố gắng và tâm huyết của nhóm nghiên cứu. PGS.TS. Nguyễn Quang Ngọc cũng đề nghị nhóm nghiên cứu tiếp thu đầy đủ các ý kiến phản biện, góp ý, nhận xét của các thành viên Hội đồng, tiếp tục chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện để hướng tới nghiệm thu đề tài cấp Quốc gia, sớm đưa kết quả nghiên cứu của đề tài vào áp dụng trong thực tiễn.