Buổi tọa đàm là dịp để các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, viên chức, người lao động trân trọng ôn lại những kỷ niệm, tôn vinh những thành tựu Học viện Chính trị khu vực I đã đạt được trong sự nghiệp cách mạng vẻ vang của dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng.

 

Các đồng chí Nguyên lãnh đạo Học viện tham dự Tọa đàm

 

Tham dự buổi tọa đàm có các đồng chí nguyên lãnh đạo Học viện; các đồng chí trong Ban Chấp hành Đảng bộ, thành viên Ban Giám đốc; cán bộ, viên chức, người lao động của Học viện qua các thời kỳ.

 

PGS,TS Nguyễn Vĩnh Thanh, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện phát biểu tại buổi Tọa đàm

 

PGS,TS Nguyễn Vĩnh Thanh, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện đã trình bày báo cáo đề dẫn trong buổi tọa đàm. Báo cáo nhấn mạnh lịch sử phát triển của Học viện trong 70 năm, sứ mệnh, tầm nhìn, giá trị cốt lõi, qua đó khơi dậy niềm tự hào, niềm tin và tinh thần cống hiến trong xây dựng và phát triển Học viện của các thế hệ cán bộ. Đồng thời, báo cáo đã nêu bật những thành tựu đáng tự hào mà Học viện đã đạt được trong suốt 70 năm qua.

 

PGS,TS Lê Doãn Tá, Nguyên Giám đốc Học viện phát biểu

 

PGS,TS Nguyễn Cúc, Nguyên Giám đốc Học viện phát biểu

 

Tham luận tại buổi tọa đàm, các thế hệ lãnh đạo Học viện đã ôn lại lịch sử hình thành và phát triển của Học viện trong 70 năm. Theo đó, Học viện Chính trị khu vực I đã có một quá trình phát triển, đồng hành với sự phát triển của cách mạng Việt Nam. Trải qua các thời kỳ cách mạng, dù trong những khó khăn, bom đạn chiến tranh, hay trong điều kiện đất nước hòa bình, hội nhập và phát triển, các thế hệ cán bộ, viên chức và người lao động của Học viện luôn đoàn kết, sáng tạo và tận tâm cống hiến, ghi dấu ấn về công tác đào tạo và bồi dưỡng cán bộ cho Đảng và Nhà nước.

Học viện Chính trị khu vực I ra đời trong khói lửa của Cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp xâm lược. Từ các Trường Đảng khu và liên khu, giai đoạn (1953-1958), Học viện đã thực hiện sứ mệnh bồi dưỡng cán bộ cốt cán cho Đảng, Chính quyền và tổ chức đoàn thể, nhằm phục vụ kháng chiến và nhiệm vụ chỉnh huấn, chỉnh quân của Đảng.

Giai đoạn (1959-1983) là thời kỳ hoạt động của các Trường Nguyễn Ái Quốc trực thuộc Ban Bí thư Trung ương Đảng. Trong thời kỳ này, Học viện đã triển khai công tác đào tạo và bồi dưỡng cán bộ trên nhiều lĩnh vực, từ lý luận chính trị đến quản lý kinh tế, nông nghiệp, công nghiệp, tài chính và thương nghiệp. Các bài giảng lý luận của Học viện đã truyền cảm hứng về lý tưởng của Đảng và tinh thần cách mạng cho các thế hệ học viên, để rồi họ tích cực phấn đấu cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và đấu tranh giải phóng đất nước.

Sau năm 1975, Học viện đã hợp nhất và sáp nhập các trường thành Trường Nguyễn Ái Quốc khu vực I, giai đoạn (1983-1993). Trong giai đoạn này, Học viện đã định hình khung chương trình đào tạo cao cấp lý luận chính trị và phân chia loại hình lớp học theo đối tượng đào tạo. Học viện cũng đã tổ chức nhiều chương trình bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo và quản lý cho các ban, bộ, ngành Trung ương, đồng thời thúc đẩy nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế.

Giai đoạn (2005-2013) đánh dấu sự đổi tên của Học viện thành Học viện Chính trị - Hành chính khu vực I. Trong giai đoạn này, Học viện đã tập trung vào đổi mới và nâng cao chất lượng chương trình đào tạo lý luận chính trị, đồng thời thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế.

Từ năm 2014 đến nay, Học viện đã đổi tên thành Học viện Chính trị khu vực I và tập trung vào việc đào tạo cán bộ lãnh đạo, quản lý và giảng viên. Đây là giai đoạn  Học viện đã đạt được những bước đột phá trong việc nâng cao chất lượng đào tạo và bồi dưỡng, thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học và hiện đại hóa cơ sở vật chất.

 

PGS,TS Ngô Ngọc Thắng, Nguyên Quyền Giám đốc Học viện phát biểu

 

TS Nguyễn Ngọc Thanh, Nguyên Phó Giám đốc, Hội trưởng Hội Cựu giáo chức Học viện phát biểu

 

PGS,TS Nguyễn Bá Dương, Nguyên trưởng khoa Xã hội học và phát triển phát biểu

 

Trong khuôn khổ buổi Tọa đàm, các đại biểu đại diện lãnh đạo Học viện qua các thời kỳ đã trao đổi, thảo luận với nhiều nội dung sinh động, sâu sắc về sự phát triển của Học viện qua các thời kỳ; chuyển tải tinh thần đoàn kết, gắn bó, hết lòng trong xây dựng Học viện của các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, viên chức, người lao động. Trong quá trình tham luận, các đại biểu đã cùng ôn lại những ký ức, kỷ niệm đẹp về tình đồng chí, đồng nghiệp, tình thầy trò,...đồng thời, qua đó gửi gắm những mong muốn, kỳ vọng của các thế hệ cán bộ với sự phát triển của Học viện trong giai đoạn tiếp theo.

 

Toàn cảnh buổi Tọa đàm